Chỉ số ALT là gì? Khi nào cần đi xét nghiệm ALT?
ALT là chỉ số men gan giúp xác định tình trạng tổn thương tế bào gan. Vậy chỉ số ALT là gì? Khi nào thì đi làm xét nghiệm này? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi nhé.
Chỉ số ALT là gì?
Trước khi tìm hiểu về xét nghiệm ALT, trước hết ta cần biết chỉ số ALT là gì và nó phản ánh hoạt động của gan như thế nào.
ALT là tên viết tắt của enzyme Alanine aminotransferase – loại enzyme đặc trưng được tìm thấy chủ yếu ở các tế bào gan. Ngoài ra, ALT cũng tồn tại với số lượng ít hơn tại thận, tim, cơ xương. Enzym này có chức năng xúc tác chuyển đổi acid amin alanine thành L-glutamate và pyruvate. Đồng thời, ALT cũng là chất trung gian quan trọng để sản xuất năng lượng tế bào.
Với người khỏe mạnh, nồng độ ALT trong máu thấp và giữ ổn định. Nhưng do 1 số nguyên nhân khiến cho tế bào gan bị phá hủy thì ALT được giải phóng vào máu, vì thế chỉ số này tăng lên. Thông thường, ALT được giải phóng vào máu nhiều nhất là trước khi dấu hiệu tổn thương gan rõ ràng và nặng nề.
Vì thế, xét nghiệm ALT là xét nghiệm thường dùng để phát hiện các tổn thương gan do bệnh lý, chấn thương hoặc sử dụng thuốc. Đặc biệt các bệnh lý gan thường gặp như viêm gan, xơ gan,… thường gây suy giảm chức năng gan.
Xem thêm: Chỉ số lym là gì?
Xét nghiệm này có thể được chỉ định riêng lẻ hoặc kết hợp với các xét nghiệm khác để đánh giá chính xác chức năng và tình trạng tổn thương gan.
Thường dùng nhất là kết hợp giữa xét nghiệm này với xét nghiệm AST, được đánh giá là bộ xét nghiệm quan trọng nhất để phát hiện tổn thương gan.
Trong đó, chỉ số ALT đặc hiệu với gan hơn là chỉ số AST. Hai chỉ số này được đo và so sánh trực tiếp với nhau, thông qua tỉ lệ tính toán (AST/ALT) để phân biệt các nguyên nhân khác nhau gây tổn thương gan do rượu hay tổn thương gan mạn tính, xơ gan.
Thời điểm cần xét nghiệm ALT
Khi nào cần xét nghiệm ALT là câu hỏi mà rất nhiều người bệnh quan tâm. Thông thường, qua quá trình thăm hỏi tiền sử bệnh, khám lâm sàng, người bệnh được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm ALT nếu có những biểu hiện về suy giảm chức năng gan như:
- Chán ăn, buồn nôn, ăn không ngon miệng
- Mệt mỏi, sốt, suy nhược cơ thể
- Đau bụng, đặc biệt là hạ vùng hạ sườn phải
- Vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu hơn bình thường
- Ngứa, nổi mề đay, mụn nhọt…..
Xem thêm: Chỉ số neu là gì?
Một số đối tượng khác cũng được chỉ định xét nghiệm ALT như người thường xuyên sử dụng rượu, bia, hút thuốc, béo phì, tiếp xúc với hóa chất độc hại, người có tiền sử bệnh gan, viêm gan do virus A, B, C….
Ngoài ra, kiểm tra chỉ số ALT cũng được áp dụng trong các trường hợp như:
– Theo dõi tình hình diễn biến của các bệnh lý về gan (viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan…)
– Xác định thời điểm áp dụng các phương pháp điều trị bệnh gan
– Đánh giá hiệu quả điều trị trong liệu trình điều trị đang được áp dụng
Gan bị tổn thương sẽ khiến nồng độ ALT trong máu tăng lên. Tuy nhiên xét nghiệm ALT đơn lẻ chưa thể kết luận chính xác mức độ cũng như nguyên nhân của bệnh gan. Vì vậy người bệnh sẽ được chỉ định thêm các phương pháp kiểm tra chuyên biệt khác để chẩn đoán chính xác tình trạng tổn thương gan.
Việc xác định chỉ số ALT trong máu có thể giúp bệnh nhân chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của gan. Bên cạnh đó, nếu thường xuyên thực hiện xét nghiệm ALT sẽ biết được những tổn thương đang diễn ra ở cơ quan này. Đồng thời giúp bác sĩ chuyên khoa dễ dàng hơn trong việc kiểm soát quá trình điều trị và sự phát triển của các bệnh lý về gan.